Đam mê Lan không chỉ của riêng ai, nhưng để trồng được Lan thì ngoài kiến thức ta cần phải có điều kiện phù hợp. Đã có rất nhiều hướng dẫn về cách trồng và chăm sóc cho Lan rồi, nhưng đa phần các kiến thức đó là dành cho nhà vườn, hay nói cách khác là dành cho những người có mặt bằng dưới đất.
Em sống ở Hà Nội, không có nhà đất, mà phải sống ở chung cư, trên tầng cao.
Vì vướng vào Lan mà mất khá nhiều chi phí để đổi lấy kinh nghiệm. Chắc nhiều người cùng hoàn cảnh với em, không rõ các bác đã thành công chưa ạ, xin các bác chia sẻ thêm những kiến thức cần thiết giúp với nhé.
Riêng em, sau 1 năm 6 tháng trồng Lan trên ban công sân thượng, xin có vài điều chia sẻ thế này ạ:
1. Xác định kiểu ban công, sân thượng, hướng phù hợp trồng Lan
Thật sự em quá may khi ban công nhà em hướng đông, cộng thêm ban công thiết kế âm tường (nghĩa là không nhô ra ngoài), nên về khoản nắng nóng cũng đỡ phần nào. Nhà bác nào hướng tây thì em không dám khuyên, bởi lẽ hướng đó cực nóng, sợ cây sống không nổi. Ở ban công thì nắng chỉ được 5 ~ 6 giờ/ngày thôi, gió rất thoáng, và cũng rất nóng.
Chỗ này xin đừng trông mong vào độ ẩm, bởi lẽ không khí như thế nào thì ban công nó như thế, không có nguồn hơi ẩm ở bất kỳ đâu, do vậy là việc tạo môi trường ẩm ổn định là không có. Tuy nhiên cũng còn tùy loại chung cư, tùy độ cao các tầng. Với chung cư 5 tầng đổ xuống, nơi ấy không khác sân thượng là mấy, các bác có thể tham khảo nhưng ai trồng ở sân thượng rồi tìm hiểu thêm. Có những chung cư sát nhau, có tòa bị che hết nắng bởi tòa bên cạnh, có căn hộ cao tận tầng 20 trở lên… những nơi ấy em chưa sống, không dám khuyên gì đâu ạ.
2. Về giá thể trồng Lan
Xin khuyên luôn các bác không nên trồng lũa, bởi lẽ vào mùa hè, sau khi tưới đẫm nước thì chỉ trong vòng 30 phút thôi là khô nước hết rồi. cây sống lũa cực kỳ chậm, èo uột. Cũng không nên trồng giá thể than củi, nó cũng rất nhanh khô, khi tưới khó đọng nước, khi khô thì lại hút ngược nước từ rễ lan, giá thể này chả khác lũa là mấy. Lời khuyên là 100% trồng chậu, giá thể là dớn, vỏ thông, hoặc loại gì đó mà giữ ẩm tốt. Nhà em trồng 100% dớn, nhét khá nhiều rêu rừng, cho thêm cả chấu trên bề mặt luôn. Mà dớn thì nên dùng dớn vụn, em mua bảng về toàn sẻ ra rồi tách rời từng sợi. Cách xử lý giá thể thì có thể tham khảo thêm các loại giá thể trồng lan.
3. Về cách tưới
Ở nhà vườn, họ sợ ẩm nhiều gây thối rễ. Ở ban công, các bác không phải lo chuyện đó, giá thể càng ẩm càng tốt. Mùa hè, chiều tối các bác ngâm cả giò lan vào nước cũng chả sao. Trên ban công, sợ nhất là thiếu ẩm thôi, cứ tắt nắng là tưới, tất nhiên cũng không phải tưới đến mức độ lúc nào cũng đầy nước thì không nên. Cái này thì trồng nhiều các bác sẽ tự căn chỉnh, em chỉ dám chia sẻ cách tưới nước mà hiện tại em đang làm thôi.
4. Về loại Lan
Xin thưa là ai thích Lan chả thích nhiều Lan, nhiều loại…. Nhưng với ban công chỉ tầm 2, 3 m2, thì các bác nên cân nhắc kỹ loại Lan mà các bác thực sự yêu thích. Em thì có lời khuyên thế này, chỉ nên trồng loại thân thong như Phi điệp, trầm. Có thể trồng thêm Đùi gà, Sơn thủy tiên, Kiều, Cẩm cù. Không nên trồng các loại đơn thân như: Đai Châu, Cáo…. Và tất nhiên không nên trồng những loại mà ngay cả nhà vườn cũng khó trồng như Trúc phật bà, …
5. Cách bố trí trồng cây
Phía dưới trồng các chậu cây dây leo hoặc sen cảnh, em cảm thấy như này nhìn sẽ giống vườn hơn, bóng các cây trồng này cũng giảm bớt được tý nóng, và cũng mát mắt hơn. Phần sát tường thì trồng các cây như Kiều, Sơn thủy tiên. Khoảng giữa, tất nhiên là các cây như Trầm, Phi điệp rồi. Việc che nắng chắc không cần (nếu là hướng đông), chắc chắn phải cần che lưới (nếu hướng tây). Chậu trồng nên nghiêng ra phía ngoài, bởi cây sẽ mọc hướng theo hướng có ánh nắng.
Ngày trước em có che nắng hướng đông, như sau đó bỏ đi vì cảm giác cây thiếu nắng, 1 ngày có 4~5 tiếng có nắng, em che đi thì có lẽ cả ngày cây chả có ánh sáng mấy, do vậy mà em ko che nắng, nhiều hôm nắng nóng quá cũng bị tèo lá, đợt nóng kỷ lục vừa rồi giò Kiều nhà em rụng nhiều lá + 2 ngọn phi điệp thì thối do quá nóng, nhưng cũng đành chấp nhận thôi, ai bảo nghèo không có tiền mua đất… Riêng kei mới trồng thì em vẫn phải chọn núp bóng cây khác để an toàn.
6. Bệnh của Lan
Nói chung vẫn nhiều bệnh như thường, không rõ so với nhà vườn thì thế nào, chứ vẫn xuất hiện nấm, côn trùng…. Thối nhũn thì em chưa thấy, khả năng là do độ ẩm kém nên cái khoản này cũng được hạn chế phần nào. Các cách phòng + chống thì em không bàn nhé, các bác có nhiều kinh nghiệm quá rồi.
7. Cái khó của trồng ban công
Lắp điều hòa, giàn phơi quần áo, giông bão…. Những thứ này là khó chịu nhất, cái này em ko có gì chia sẻ, bởi điều kiện mỗi nhà khác nhau. Nhà em chỉ lắp 1 cục điều hòa ở đó, vợ đang muốn lắp thêm nhưng em cứ lấy lý do này nọ để trì hoãn, lắp cục nữa thì trồng Lan sao nổi..
Đôi dòng chia sẻ, mong các bác đừng chê nhé.
Quý khách vui lòng điền đầy đủ thông tin vào trường (*) bắt buộc